Vén màn 7 thách thức các CTO phải đối mặt khi chuyển đổi số năm 2023

Chuyển đổi số là hành trình dài, đầy biến động và không phải là cứ vươn ra biển rộng là doanh nghiệp nào cũng thuận buồm xuôi gió. Bởi vậy, trách nhiệm của một CTO (Giám đốc công nghệ) gánh trên vai là rất lớn cùng vô vàn khó khăn ngáng đường. Vậy trong bối cảnh 2023 đầy biến động, các CTO sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trên tiến trình chuyển đổi số? Cùng FSI khám phá điều đó và đi tìm lời giải ngay trong bài viết dưới đây. 

Chuyển đổi số là gì? 

Microsoft đưa ra định nghĩa: “Chuyển đổi số là việc tư duy lại cách thức các tổ chức tập hợp mọi người, dữ liệu và quy trình để tạo ra những giá trị mới”. Còn theo Gartner – Công ty nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới đưa ra định nghĩa về chuyển đổi số như sau: “Chuyển đổi số là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới”.

Như vậy, chuyển đổi số là quá trình nâng cấp các ứng dụng cũ và quy trình truyền thống bằng công nghệ kỹ thuật số để thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp, thay đổi cách thức  phân phối giá trị, cách nhân viên làm việc và đáp ứng nhu cầu khách hàng. 

7 thách thức CTO phải đối mặt khi chuyển đổi số năm 2023

Chọn ra chiến lược chuyển đổi số phù hợp

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp dễ bị cuốn vào vòng xoáy của những xu hướng chuyển đổi số mới hay chạy theo những ứng dụng công nghệ nổi bật, mới nhất, hiện đại nhất. Dù là quá trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, học máy (Machine Learning) hay dữ liệu lớn (Big Data), các CTO vẫn rất dễ bị phân tâm với chiến lược chuyển đổi số và lộ trình ứng dụng công nghệ  đã được xây dựng trước đó. 

Trước những băn khoăn về con đường chuyển đổi số, nhiều nhà lãnh đạo quyết định tiến hành thử nghiệm quy mô nhỏ, chia làm nhiều đợt. Nhưng việc chia nhỏ trọng tâm thử nghiệm liên tục đi tới thất bại vì lãng phí. 

Để vượt qua thách thức này, CTO cần phải tạo ra một nguồn ngân sách riêng dành cho nhu cầu phát triển công nghệ thông tin cốt lõi và tạo một ngân sách khác cho các cuộc thử nghiệm. Việc lập ra một bản đồ lộ trình công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng như chiếc la bàn giúp định hướng từng đường đi nước bước cho doanh nghiệp trên hành trình chinh phục chuyển đổi số. Ngoài ra, các chiến lược chuyển đổi số cụ thể cần được lên kế hoạch kỹ lưỡng và đầy đủ trước khi thực hiện các bước nhảy vọt mới. 

Việc lập ra một bản đồ lộ trình công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng như chiếc la bàn giúp định hướng doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số

Gắn kết các dự án chuyển đổi số với mục tiêu ban đầu của tổ chức

Chuyển đổi số đang là làn sóng mạnh mẽ tràn vào đa số các doanh nghiệp lớn nhỏ và tạo ra cuộc cách mạng lớn. Tuy nhiên mối lo đó là có tới 70% – 90% các dự án chuyển đổi số không đạt được mục tiêu, diễn ra lâu hơn so với thời gian dự kiến hoặc ngốn quá nhiều ngân sách. 

Bởi vậy nếu các CTO chưa thể nhìn ra được mối liên hệ giữa việc đầu tư vào các dự án chuyển đổi số với việc đáp ứng các mục tiêu dài hạn của công ty thì việc bị cắt giảm ngân sách là chuyện sớm muộn phải tính tới. Để vượt qua thử thách này CTO cần đảm bảo rằng hầu hết nhân viên hoặc khách hàng, đối tác hiện tại đều hiểu được nhu cầu cũng như cùng nỗ lực trên hành trình chuyển đổi số. 

Đồng thời CTO cần hạn chế tối thiểu việc thay đổi phạm vi dự án khi đang tiến hành giữa chừng vì áp lực của lãnh đạo và luôn đảm bảo mọi dự án chuyển đổi số luôn tuân theo lộ trình nghiêm ngặt phù hợp với tiêu chuẩn, điều kiện vận hành của công ty. Có như vậy việc gắn kết các dự án chuyển đổi số với mục tiêu ban đầu của tổ chức mới có thể hiện thực hóa từng bước một.  

Mục tiêu chuyển đổi số cần thống nhất với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp 

Đảm bảo an ninh mạng cho doanh nghiệp

Theo báo cáo của IBM & Ponemon Institute, tổng thiệt hại mà các doanh nghiệp gánh chịu do các cuộc tấn công mạng năm 2022 lên tới 4,35 triệu đô la, tăng 2,5% so với 4,24 triệu đô la vào năm 2021. Các mối đe dọa như phần mềm độc hại, mã độc tống tiền hay lừa đảo đang vẫn luôn tồn tại.  

Nhưng theo báo cáo Tình trạng an ninh mạng năm 2022 của ISACA cho thấy có tới 62% tổ chức doanh nghiệp cảm thấy đội ngũ an ninh mạng của họ thiếu nhân sự và 60% trong số họ gặp khó khăn trong việc giữ chân những chuyên viên có trình độ. 

Vậy đứng trước các mối đe dọa trên, các CTO sẽ làm gì? Họ cần phải xây dựng được một nhóm các chuyên gia an ninh mạng hạng A bao gồm cả các chuyên gia giỏi trong ngành ở trong và ngoài công ty. Họ luôn phải sẵn sàng tư vấn và nâng cao tường rào bảo vệ an ninh mạng của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, các CTO có thể tiến hành đào tạo về an ninh mạng cho nhân viên để nhanh chóng phát hiện các kỹ thuật lừa đảo phổ biến, ngăn chặn những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Đồng thời việc chia nhỏ các cơ sở hạ tầng an ninh mạng cũng là một giải pháp hiệu quả để khi một phần dữ liệu bị xâm nhập sẽ không gây nguy hiểm cho cả hệ thống. Đồng thời, CTO cần đảm bảo dữ liệu được sao lưu liên tục, hạn chế tối thiểu rủi ro trong trường hợp xấu nhất. 

Việc đào tạo vấn đề liên quan an ninh mạng là cần thiết với nhân lực thời 4.0

Đào tạo và nâng cao kỹ năng cho nhân viên và lực lượng lao động số 

Đào tạo và phát triển kỹ năng công nghệ cần cho nguồn nhân lực số đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhất là với các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn. Vậy làm thế nào để đào tạo nhân viên hiệu quả trên quy mô lớn? Làm sao để theo dõi được trình độ nhân viên theo thời gian cũng như tìm hiểu được phương pháp đào tạo nhân viên có tính khuyến khích nhất trong môi trường làm việc số? 

Trước thách thức này, các CTO cần tìm hiểu, lựa chọn hệ thống quản lý học tập để giáo dục nhân viên trên quy mô lớn để tiến hành kiểm tra, theo dõi chi tiết hiệu suất của mỗi cá nhân, mỗi phòng ban một cách khách quan. 

Ngoài ra các CTO cần lưu ý cần xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với nhịp độ của nhân viên để có thể giúp mỗi người khắc phục hạn chế và học hỏi nhiều hơn xuyên suốt quá trình đào tạo, thực hành. 

Đào tạo và phát triển kỹ năng công nghệ cần cho nguồn nhân lực số đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là với các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn 

Nâng cao trải nghiệm khách hàng 

Theo cuộc khảo sát tình trạng CTO năm 2022 của Foundry, 57% các nhà lãnh đạo cho rằng việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng là ưu tiên hàng đầu của họ. 81% trong số đó đang tích cực triển khai các công nghệ mới để hỗ trợ tương tác khách hàng. 

Tuy nhiên trên hành trình nâng cao trải nghiệm khách hàng nhờ công nghệ, các CTO dễ vấp phải sự phản đối từ một số nhóm khách hàng. Còn các nhà lãnh đạo C-suite dễ bị phân tâm trước những sáng kiến mới dù chúng không phù hợp. 

Trước thách thức này, các CTO cần đo lường mức độ hài lòng của khách hàng qua các cuộc thăm dò ý kiến và khảo sát. Đồng thời tích cực sử dụng các công cụ phân tích sản phẩm và công cụ phân tích hành vi để quan sát và hiểu rõ hành vi mua sắm của họ. Đó là nền tảng để đưa ra các giải pháp giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng. 

Các CTO cần đo lường mức độ hài lòng của khách hàng qua các cuộc thăm dò ý kiến và khảo sát để cải thiện trải nghiệm

Bắt kịp các xu hướng công nghệ mới

Hiện nay, các công nghệ mới như ChatGPT đồng loạt ra đời, cải tiến đã tạo ra những bước ngoặt trong phát triển trong kỷ nguyên số. Bắt kịp thời đại, các công ty như Salesforce (Einstein GPT), Snowflake, Instacart và Uber đã phát hành các sản phẩm, dịch vụ tích hợp AI cụ thể là nền tảng GPT. 

Trước thực tế này, CTO cần phác thảo một lộ trình ứng dụng các công nghệ mới chi tiết, để lực lượng C-suite đầu tư lượng ngân sách cần thiết ứng dụng những công nghệ hiệu quả nhất. 

Như vậy trước thách thức bắt kịp xu hướng công nghệ mới, các CTO có thể phối hợp các bộ phận chọn ra đội ngũ nội bộ có kinh nghiệm tìm ra giải pháp ứng dụng tiết kiệm, tối ưu nhất. Ngoài ra, CTO cũng cần tập trung phát triển các giải pháp công nghệ mới nổi và đề ra kế hoạch ứng dụng chúng vào thực chiến tại văn phòng làm việc để xác định rõ điểm hiệu quả. 

Việc bắt kịp các xu hướng công nghệ cũng là nỗi lo với các doanh nghiệp khi chuyển đổi số 

Quản lý lạm phát và suy thoái kinh tế 

Hiện tại hầu hết các nền kinh tế phương Tây đều lao đao do chính sách lạm phát của các ngân hàng Trung ương. Trước tình trạng giá cả tăng cao trong toàn ngành, chi phí nhân sự cao hơn và môi trường kinh tế vĩ mô thay đổi bởi vậy nhiều doanh nghiệp buộc phải tăng mức giá sản phẩm dịch vụ của lên 11% – 16% để bảo vệ lợi nhuận của chính mình. 

Từ tháng 9 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023, hàng loạt các công ty công nghệ đã tiến hành sa thải 250.000 nhân viên và ngay cả những gã khổng lồ như Google, Meta và Amazon cũng đã tiến hành cắt giảm một phần đáng kể lực lượng lao động của họ để cắt giảm chi phí. 

Trước thách thức này các CTO có thể tiến hành cắt giảm chi phí Saas, loại bỏ những phần mềm không hiệu quả và chuyển đổi mô hình quản lý công nghệ sao cho phù hợp, tối ưu, tiết kiệm chi phí. Điển hình như Basecamp dự kiến tiết kiệm được tới 7 triệu USD trong 5 năm nhờ chuyển cơ sở hạ tầng từ AWS sang mô hình quản lý khác. Nhờ đó, họ có thể cắt giảm tới 23% chi phí hàng năm. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đăng ký tư vấn ngay!!

Chúng tôi luôn sẵn sàng để cung cấp đến Quý khách dịch vụ hỗ trợ kịp thời và chất lượng. Liên hệ với chúng tôi bất cứ lúc nào để được hỗ trợ!!



    X
    Đăng ký nhận tư vấn